CON ĐƯỜNG XƯA ANH ĐI

Thời gian qua, rộ lên thông tin cấm một số bài hát sáng tác trước 1975, chuyện cũng bình thường thôi, đã xảy ra nhiều lần, cấm rồi cho rồi lại cấm, đó là chuyện của nhà cầm quyền trong suốt 42 năm qua, mọi người ai hát thì cứ hát, chẳng có gì mà ầm ĩ. Tình cờ, tôi đọc bài phỏng vấn “nhà phê bình âm nhạc”, “nhạc sỹ” Nguyễn Lưu, ở đó ông nêu ra 3 lý do để cấm bài hát “con đường xưa em đi” của tác giả Châu Kỳ và Hồ Đình Phương.

1. Con đường xưa “anh” đi là con đường nào?
2. Chiến trường anh bước đi là chiến trường nào?
3. Liệu con em những người xưa kia bị chĩa súng vào đầu nghĩ gì, mình đúng hay mình sai khi hát bài hát này.
Ông Nguyễn Lưu đã cố tình đánh tráo khái niệm khi cho rằng “con đường xưa anh đi” là con đường trừu tượng, trong khi Châu Kỳ và Hồ Đình Phương đã viết rất rõ ràng “con đường xưa em đi” là con đường cụ thể. Tôi có vài ý chia sẻ về việc ông Nguyễn Lưu đã nêu ra “con đường xưa anh đi”.

Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là một quốc gia có chủ quyền, được quốc tế công nhận, có hiến pháp thông qua bởi quốc hội dân cử ngày 26 tháng 10 năm 1956. Trong đó đã đặt cọng sản ra ngoài vòng pháp luật, cấm mọi hình thức quảng bá, tuyên truyền, đi theo. Tội cao nhất cho điều này là tử hình.
Những công dân sống trong quốc gia này phải tuân thủ hiến pháp và luật pháp của quốc gia, đó là lẽ tất nhiên. Khi chiến tranh chưa đến hồi ác liệt, những người lính tham gia bảo vệ người dân vô tội, những người bình thường.
  Anh đi chiến dịch xa vời.
 Nòng súng nhân đạo cứu người lầm than. (Phạm Đình Chương)
Khi chiến sự trở nên ác liệt, họ là người bảo vệ biên cương, bảo vệ dân lành, đó là bổn phận dẫu phải hy sinh tình riêng, họ không muốn người yêu của mình phải trở thành “góa phụ ngây thơ”. Họ luôn tâm niệm “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
       Đơn xin cưới, một tờ đơn xin cưới.
       Đã viết rồi sao lại xé em ơi!
       Vì không muốn người mình yêu
       trở thành góa phụ ngây thơ. (Trần Thiện Thanh)
và:       Anh trở về dang dở đời em
hay:    trên trực thăng sơn màu tang trắng (thơ Linh Phương, nhạc Phạm Duy)
hoặc:    Chiều nay đi nhận xác chồng
         Say đi để thấy mình không là mình
Chiều nay đi nhận xác anh.
Cuồng si thủa ấy, hiển linh bây giờ. (Phạm Duy).
  Và phải hy sinh những niềm vui bình thường của con người, cả trong những ngày thiêng liêng nhất như ngày Tết:
      Đón giao thừa một phiên gác đêm.
     Chào xuân đến súng xa vang rền.
và: Chiều mưa biên giới, anh đi về đâu?
       Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu. (Nguyễn Văn Đông).
  Trong chiến trường họ luôn phải tìm vui trong chiến trận:
Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối.
Như mắt em sáng ngời, đưa anh đi ngàn lối.
Những đêm không ngủ, anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi. (Hàn Châu)
Và cũng không kém phần lãng mạn:
        Vượt cao vút cao
Mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần
Tuyết ơi xin nhuộm
trắng trong tâm hồn em gaí nhỏ tôi thương.(Trần Thiện Thanh)
hay: …..Nên đêm vượt trùng
       Anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em, cho anh thì thầm
Em ơi tình mình trắng như hoa đại dương. (Anh Thi)
Dẫu tham gia, hòa mình trong cuộc chiến, trong lòng họ luôn nghĩ đến hòa bình, với những ước muốn rất thường, nhưng vẫn chưa đạt được:
Qua mùa trăng vu quy, Vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi. (Châu Kỳ, Hồ Đình Phương)
hoặc: Một mai qua cơn mê, Xa cuộc đời bềnh bồng
Anh lại về bên em
để:  …..Cùng theo lũ em học hành như xưa. (Tâm Anh)
Bản thân chúng tôi cũng vì ước vọng hòa bình, không muốn chiến tranh nên đã có một thời tuổi trẻ “dại dột”, theo chân những Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi biểu tình, và những đêm trắng với Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng trong đêm “hát cho dân tôi nghe”. Sau này mới biết mình bị lợi dụng.
Đó là “con đường xưa anh đi” và chiến trường anh bước đi không đâu xa, nó ở ngay trước ngõ nhà mình, cuối làng mình, không phải “đi chiến trường, gùi trên vai nặng trĩu” hoặc “hành quân đêm súng mang nặng trên vai”, họ bước vào chiến trường rất nhẹ nhàng, “chiến trường anh bước đi” và chiến trường đó nó quen thuộc như hơi thở, bữa cơm hằng ngày, bình thản như cuộc sống.
Đại bác đêm đêm dội về thành phố,
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe,
Đại bác qua đây đánh thức Mẹ dậy
Đại bác qua đây em thơ giật mình…..
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn….(Trịnh Công Sơn)
Chiến trường của họ đấy, tất cả đã chấm dứt một cách tức tưởi vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, và họ những người lính Cộng hòa hiện tại là những ông già lụ khụ, người trẻ nhất cũng đã ngoài 60, cuộc sống hiện tại rất khó khăn, mặc cho xã hội “bên thắng cuộc” có nhận xuống tận đáy xã hội, họ vẫn sống hào hùng và kiêu hãnh vì đã làm trọn nhiệm vụ của mình: Tổ quốc, danh dự, trách nhiệm, dẫu đã để lại chiến trường một phần thân thể.

Chiến tranh đã qua đi 42 năm rồi, anh em đã thôi kê súng vào đầu nhau, đã có những đám cưới của những người ở hai bên chiến tuyến, ai đúng ai sai lịch sử sẽ phán xét công minh. Không biết tại sao”bên thắng cuộc” vẫn còn hằn học với cả cái bóng và tiếng vọng của một thời đã qua./.

Đăng tải tại Xã Hội | Bình luận về bài viết này

Tản mạn Hà lan choa

`   Vượt cao độ 842 bằng đường cong chữ C ngoạn mục, Hà lan hiện ra dưới chân đèo, lung linh trong ánh nắng ban mai đầy màu sắc, nổi bật nhất là màu đỏ của ba ngôi Thánh đường Hà lan ABC, san sát chung quanh là màu trắng, xanh, nâu, đỏ….của các mái nhà,  xa hơn là màu xanh của bạt ngàn cà phê, tiêu. Quốc lộ 14 như một dải lụa bạc uốn éo vắt ngang làm tăng thêm vẻ huyền ảo của một Hà lan trù phú.

Ít ai biết rằng, 60 năm trước, đây là một vùng đất hoang vu, với đầy đủ các loài thú dữ, cọp, beo, heo rừng…..Những người đầu tiên đến đây theo chương trình định cư của Tổng thống Ngô đình Diệm dành cho người di cư 1954. Họ bỏ quê hương ở những vùng quê miền Bắc xa xôi, Hưng Nguyên, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương…Nghệ An, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân…..Hà Tĩnh, Quảng Trạch, Phúc Trạch, Bố Trạch, Sơn Trạch….Quảng Bình. Họ chạy vào đây vì những ký ức kinh hoàng của thời cải cách ruộng đất, đấu tố, và sự cai trị hà khắc của chính quyền cộng sản. Những gia đình đầu tiên sống tập trung xung quanh con suối nhỏ Ea Blang, có phải vì vậy mà thành tên gọi là Hà lan chăng? Có nhiều tranh cãi xung quanh tên gọi này, nhưng tôi thích giả thuyết Ea Blang hơn, ea là suối, blang là nhỏ, dòng suối nhỏ nghe có vẻ lãng mạn đấy chứ. dĩ nhiên Hà lan đây chẳng dây dưa rễ má gì với quê hương của hoa Tulip cả. Còn chữ “choa” theo phương ngữ Nghệ An có nghĩa là chúng tôi, nhưng còn bao hàm thêm một điều gì đó rất tự hào, điều mà chữ “choa” đi sau đó; Hà lan “choa”… con Điệp nhà “choa”…xe cày nhà “choa”v…v…

Người Hà lan sống rất đoàn kết và đặc biệt….chống cộng, vì có chung những kinh nghiệm đau thương với cộng sản, vì phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt của vùng cao nguyên, và chống chọi với thú dữ của núi rừng, buộc họ phải đâu lưng lại với nhau, lâu ngày thành tập quán tốt. Đã hơn một lần cộng sản đánh vào Hà lan, nhưng thất bại. Đó là năm 1973:

Sau khi cầm chân trung đoàn 45 tại Thuận Mẫn, một tiểu đoàn việt cọng (VC) bôn tập về thọc ngang sườn Hà lan, hòng cắt ngang quốc lộ 14 và chiếm giữ cao điểm 842, nếu thành công coi như đã chiếm được quận Buôn hô, đồng thời khống chế thị xã Ban mê thuột,địa phương quân của quận bị dụ ra xa, do bị đánh quấy rối. Trong làng lúc đó chỉ có một trung đội Nghĩa quân. Một kế hoạch hoàn hảo. Nhưng VC đã đánh giá người Hà lan quá thấp. suốt một tuần VC mở nhiều đợt tấn công vô làng, đều bị quân và dân Hà lan đẩy lui, đã có lúc VC chiếm được hơn nừa làng, dân chúng co cụm trong nhà thờ Hà lan A, B và C đã bị chiếm. VC đã phạm thêm một sai lầm nữa là không để đường tháo cho Hà lan, vì gia đình vợ con của các nghĩa quân đang kẹt lại, nên họ bằng mọi giá phải đánh, sau đó Biệt đông quân đổ quân trên đèo, đánh tập hậu,VC thua to, phải tháo chạy. Kết quả làng Hà lan mất 13 người, lúc đó chôn ngay sau sân nhà thờ, nên gọi là”nghĩa địa 13”, nghĩa địa này đúng là một Church yard theo nghĩa đen. Sau 1975, số này cũng đã di dời về nghĩa địa chính. Đến đây tôi lại nhớ đến một chuyện nho nhỏ, số là có một bà sống một mình, nhưng vẫn bị CS báo đóng thuế, ghi rõ là: lúa 13 kg, đậu các loại: 5 kg, đến ngày đóng thuế, bà nách đến, bị cán bộ nạt:
– Sao bà lại đóng đậu lung tung thế này?
– Nhà tui không có độ, tui phải đi mua cho đủ các loại độ xanh, đỏ, trắng, đen, rằn, về trộn đều đem đi đóng cho các ông, đây nì giấy ghi rõ ràng: đậu các loại, tui có nói ngoa mô.
Người Hà lan là thế, thâm trầm mà tế nhị. Những năm sau 75 Hà lan rất cơ cực, đất đai bị sung công, chia lại làm không đủ sống, phương tiện sản xuất bị tịch thu, làm chủ yếu vào sức người, như thời bán khai.Những năm khó khăn đó, Hà lan vẫn âm thầm sống và phát triển, đặc biệt rất chú trọng việc học hành, từ trước đã gửi con đi học xa, nhiều sĩ quan đã ra trường, số đang ngồi trên giảng đường đại học cũng không ít, sau này mặc dầu khó khăn, nhưng vẫn cố gắng cho con học hành đến nơi, đến chốn. Hiện nay đã có nhiều người thành danh trên mọi phương diện, ở Saigon, Bình Dương…….có rất nhiều du học sinh đang theo học khắp nơi trên thế giới: Mỹ, Canada, Pháp, Phần lan, Nhật Bản…..

Hà lan hiện đang rất phát triển về kinh tế, nhờ vào sự cần cù, chịu khó, và cơ hội về giá cả của tiêu và cà phê, là hai cây trồng chủ lực của Hà Lan. Điều đó không đáng tự hào sao?

Hà Lan choa.

Đăng tải tại Tin Nông Thôn | Bình luận về bài viết này

MẸ

Viết về Mẹ, có lẽ trên đời này không biết bao nhiêu người đã làm, và cũng không biết bao nhiêu điều đã được nói ra, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ có thể nói về “Mẹ tôi”.
“Mẹ”, chỉ ngần ấy thôi, đã thấy ấm áp trong lòng rồi. Tôi nhận thấy rằng hầu như các ngôn ngữ trên thế giới đều bắt đầu bằng chữ M, đó là âm dễ phát nhất mà tất cả các trẻ nhỏ phát ra đầu tiên khi tập nói. Điều đó nói lên sự gần gũi giữa Mẹ và con. Trong Kinh thi cũng có nói đến công lao của Mẹ qua “cù lao chín chữ”: sinh(đẻ ra), cúc(vuốt ve), phủ(ôm ấp), súc(cho bú), trưởng(nuôi lớn), dục(dạy dỗ), cố(lưu tâm đến), phục(lo những điều cần), phúc(để lại cho con).
Không biết từ bao giờ, nhưng trong trí óc non nớt của mình, hình bóng người đàn bà ấy luôn hiện diện trong tôi, sau này tôi được biết đó là “Mẹ tôi”.
Những ngày đầu đi học, Mẹ hình như bận rôn hơn thường ngày, sửa soạn các thứ, nào là quần áo, nhắc nhủ sách vở, bút mực…,ra đi còn thấy Mẹ đứng cửa nhìn theo. Một hôm, tôi đánh lộn trong trường, cúc áo đứt hết, đêm về tỉnh giấc lúc nửa đêm, thấy Mẹ đang đơm cúc áo để kịp mai lên trường, tôi tự hứa không vậy nữa, nhưng rồi chứng nào vẫn tật nấy. Ngày tôi lên Trung học, phải vào nội trú, cả ngày tôi thấy Mẹ lẩm nhẩm tính toán quần áo, chăn mền, thêu tên vào tất cả, thậm chí các ca đánh răng, chậu giặt đồ…Lên cấp 3, tự do vì ở ngoại trú, tha hồ bay nhảy, nhưng lại vướng vào kỷ luật tự chọn do ba tôi gợi ý, bởi vậy hay bị đòn vì …cúp cua. Những lần như vậy, tôi thấy Mẹ dường như buồn lắm, bà lẳng lặng cả ngày, vẫn sửa soạn roi, vọt đầy đủ, giờ tôi “lên đoạn đầu đài”, Mẹ thường quanh quẩn đâu đó, có khi bà ngồi lại “pháp trường”, tự nhiên tôi thấy mình không cô đơn, dường như được an ủi nhiều hơn. Ba tôi thì khỏi nói, đòn đủ số roi đã quy định theo từng tiết học đã cúp, sau những lần đó, bà thường hỏi tôi”có đau lắm không?” rồi an ủi “lần sau đừng vậy nữa”.

Những tháng ngày đi học, mặc dầu hơi chểnh mảng, ham chơi nhưng cũng có chút thành tích, ngày tôi nhận phần thưởng năm lớp nhì, chỉ là hạng nhì thôi, nhưng bà rất vui, hãnh diện đem chưng trên phòng khách. Năm lớp 11 nhận được học bổng của trường, bằng tiền mặt, bà liền bày mưu” Con sắm cái gì đó, làm kỷ niệm”. Ồ, chỉ là có gì đó để khoe khéo với người khác thôi. Tất cả những năm tôi nhận phần thưởng, bà đều giữ lại cái gì đó, khi thì cái cặp, khi thì cây bút, và cất kỹ.

Ngày tôi chuẩn bị du học, bà sửa soạn đủ thứ, nào là măng tô, ghi lê, tất ấm, dặn ở đâu được bộ áo liền quần mặc trong rồi căn dặn:”nghe nói đồ áo bên nớ đắt lắm, mua không nổi đâu, mặc giữ gìn, đỡ phải mua”. Đang chuẩn bị các thứ thì xảy ra biến cố của cả nước, một tay Mẹ lo liệu các thứ, trăm thứ phải nghĩ đến, ấy vậy mà chúng tôi vẫn đầy đủ trong cuộc sống. Ngày tôi bị gọi đi nghĩa vụ, bà níu lấy tay tôi khóc nức nở, tôi biết số phận tôi đã nằm ngoài sự lo liệu của bà. Một hôm bà chạy hộc tốc về, nói với tôi:”Soạn cái bằng Tú tài, lên nộp đơn đi dạy học, nghe nói đang tuyển giáo viên”. Thế là tôi trở thành ” thầy giáo”.

Vì phải đi dạy xa, nên hôm nào cũng phải đi sớm. Lúc nào tôi ngủ dậy cũng thấy cơm nóng sẵn sàng rồi, không biết bà thức dậy lúc mấy giờ. Lương giáo viên không đủ nuôi sống mình, nói chi phụ gia đình. Thi thoảng tôi vẫn nghe bà thở dài một mình trong đêm, nhưng sáng mai vẫn bình tĩnh chỉ đạo các công việc trong nhà. Có những năm thiếu thốn, phải đi vay mượn, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không hề hay biết.

Tôi lập gia đình, vẫn ngu ngơ như một cậu thanh niên mới lớn, xa lạ với sinh hoạt hôn nhân, nhưng trong phòng Tân hôn, khi cần cái gì, thì đã thấy có đó rồi. Các con tôi sinh ra, bà lo chu đáo không thiếu một thứ gì, thậm chí các giấy tờ cần thiết để nhập học bà cũng thường xuyên nhắc nhở.

Ngày Mẹ mất, tôi mới cảm thấy hụt hẫng, trước đây đọc các bài nói về người Mẹ, tôi vẫn cho rằng các nhà văn hơi cường điệu, nhưng khi không còn Mẹ, tôi mới thấy họ vẫn chưa viết hết ý. Mặc dầu trên đầu đã hai thứ tóc, nhưng tôi vẫn khóc ngon lành như một đứa trẻ.
Dường như tất cả các bà Mẹ trên đời này, đều có một mẫu số chung, đó là lòng yêu thương con vô hạn, được làm người nghĩa là được có một người Mẹ. Nghĩ cho cùng Thượng đế không hạnh phúc bằng con người, vì là đấng tự sinh, không được có một bà Mẹ.

Xin được mượn lời của Thiền sư Nhất Hạnh, trong bài hát “Bông hồng cài áo”, thay cho lời kết.
“Một bông hồng cho em Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn.
Rủi mai này mẹ hiền có mất đi Như đoá hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười Như đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm.
Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối.
Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời.

Rồi một chiều nào đó
Anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu Rồi nói, nói với mẹ rằng mẹ ơi!
Mẹ ơi! Mẹ có biết hay không?Biết gì? Biết là, biết là con thương mẹ không?
Đoá hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đoá hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em hãy cùng tôi vui sướng đi.

 

Đăng tải tại Blog | Bình luận về bài viết này

BA TÔI (1)

                                                                                                                    Kính gửi Hương hồn Ba

ba2  Thời thơ ấu
Không biết tôi đã bắt đầu nhớ về Ba tôi vào khoảng thời gian nào, chỉ biết tôi còn rất bé. Lúc đó, Ba tôi đang là tỉnh đoàn trưởng, tỉnh đoàn bảo an Kon Tum, gia đình đang sống ở căn nhà gần sân vận động và bến xe. Sau nhà, có một cây me cổ thụ, trên cây me, không biết từ bao giờ, có một con Đại bàng, thường thường ba tôi nhắc chú Y Ngam (nấu cơm, phục vụ nhà bếp), cắt vài miếng thịt thả vào dĩa đặt dưới gốc me cho chim ăn.
Hôm đó, sau khi ăn cơm trưa, tôi tha thẩn chơi dưới gốc me, thình lình tôi thấy trời tối sầm lại, ngẩng mặt lên, đã thấy con đại bàng sà xuống tận mặt, nó mổ ngay giữa trán, rồi bay vút lên cây, lúc ấy cả nhà đang ngồi ở phòng ăn, đứng cả dậy, ba tôi vói khẩu Carbin dựng ở góc phòng, bắn chim rớt xuống rồi chạy ra, lúc đó đông người, tôi chỉ loáng thoáng nghe ông hỏi:ba1
– Chảy máu hay chảy nước?
có ai đó trả lời:
– chảy máu.
Nghe vậy, ông lẳng lăng vào cất súng.
Vết sẹo do con đại bàng mổ năm ấy, mãi khi lớn lên mới mất.
Gia đình tôi chỉ ở tạm một thời gian ngắn, sau này dọn lên nhà mới, ở đường Lê thánh Tôn, gọi là dinh Tỉnh đoàn, nên chúng tôi gọi căn nhà ấy là nhà cũ.
Lên nhà mới.
Trong nhà lúc ấy rất đông người, có mấy ông sĩ quan dưới quyền như: Thiếu úy Chương, Thiếu úy Đắc, Thiếu úy Hiền, Trung úy Độ, có một chú tài xế: chú Tạo, chú Y Ngam nấu cơm, mấy chú lính gác dinh.
Tôi ngủ dậy muộn, thường thì ông đã đi làm, ăn sáng xong ( là ly sữa và khúc bánh mỳ baguet), tha thẩn bóp hoa móng tay ở vườn hoa trước nhà, rồi xuống chơi với H” Len con chú Y Ngam ở dưới nhà bếp. Nhưng buổi chiều, ông hay chở tôi đi chơi ở sân Tennis, hoặc đánh bóng chuyền ở sân tỉnh đoàn, không bao giờ đi chơi mà ông gọi tài xế chở, đích thân lái xe đi.
Một hôm ông chở tôi vô tiệm may, đo đo đạc đạc một lúc rồi về, mấy hôm sau, tôi thấy tiệm may đem đến cho tôi một bộ đồ bằng vải kaki vàng với mũ cát kết, giống y như bộ ông đang mặc, ông rất thích. Kể từ hôm đó, ông luôn thức tôi dậy sớm, đi làm cùng với ông ở trong tỉnh đoàn, với bộ đồ mới may. Những lần theo chân ông tập thao diễn cho lính trong tỉnh đoàn, tôi thấy nét cười cười trong mắt mấy người lính phía dưới, có vẻ như ông rất thích điều đó, nhưng mặt rất nghiêm, vì lúc đó đang “thi hành công vụ”.
Năm đó, một hôm tôi nghe ông nói với mẹ tôi:  – Thằng Tâm phải học rồi.
Sau đó ông mua cho tôi một quyển học vần, sau khi học hết 24 chữ cái, bắt đầu vào đánh vần, ông chỉ vào cái mo cau hỏi:
– Cái chi đây?
Tôi lắc đầu.
– Mo cau, biết chưa? em mờ o mo, nhắc lại.
– Em mờ o mo.
– Giỏi.
Buổi tối, sau khi ăn cơm xong cùng với mấy ông sĩ quan ở trong nhà, hình như ông muốn khoe với mấy ông ấy , ông kêu tôi ra hỏi:thoi tho au
– Cái gì đây?
– Mo.
– Chữ gì đây?
– Chữ  em mờ.
– Chữ gì đây?
– Chữ o
– Vậy chữ  gì đây?(Ông chỉ vào chữ mo)
– Em mờ o.
Ông hỏi đi hỏi lại mà tôi không nói được chữ mo, ông có vẻ bị “quê” với mấy ông sĩ quan kia, nên nói với tôi:
– Thôi, không học nữa, đứng lên ghế,…xé sách….tung lên….hoan hô,.
Tôi làm theo không thiếu điều gì, cả nhà đều cười vui vẻ, nhưng riêng ông thì giận lắm, tôi thấy mặt ông đanh lại, đây là lần đầu tiên thấy ông giận.
Nhà có thêm thành viên mới.
Không biết từ lúc nào, tôi thấy mẹ tôi ẵm trên tay một bé gái, tôi thì chỉ lỏ con mắt nhìn và có đôi chút ghen tị, riêng ba tôi có vẻ thích thú, ông luôn cười mỉm mỗi lần nhìn thấy con bé. Tôi nghe ông bà bàn với nhau đặt tên là Linh Thủy, Linh là tên của ông, có lẽ vì vậy mà sau này số phận hai người gắn liền với nhau chăng?
Hôm đó, có một đoàn hát từ  Sài gòn ra, mẹ tôi và dì Đoán rủ nhau đi xem, Ba ở nhà trông em bé, tôi nằm ngủ ở chiếc giường sắt nhỏ xíu, phía đối diện (chiếc giường này hiện vẫn đang còn), không biết thời gian bao lâu, nghe tiếng ồn ào, tôi thức dậy, thấy Ba tôi đang đánh đàn mandolin dỗ con bé ngủ, con bé thì khóc oặt, khóc ẹo, có khi thét lên, nghe mà sốt cả ruột, ông vẫn bình tĩnh đánh đàn, có khi không chịu được, thì buông đàn bồng em lên ầu ơ…rồi thôi, chẳng biết làm gì thêm…..lại đánh đờn. Lát sau mẹ về, tôi lo lắng và chờ đợi cơn giận của Ba, nhưng không, ông chỉ hỏi khẽ:
– Sao về muộn vậy?
– Thì cũng phải xem cho hết chứ!ba3
Đêm đó, mẹ và em bé vật lộn với nhau trên giường, đưa vú ra cũng không thèm bú, thỉnh thoảng lại nấc lên, hình như “ả” hờn.
Đó là những tháng ngày bình yên, sau này ông có vẻ bận rộn hơn trong việc chinh chiến, ít khi ở nhà, và căn nhà Hà lan cũng làm xong, nên mẹ con dắt nhau về ở Hà lan, thi thoảng mới lên Kon Tum thăm Ba. Tôi được biết trong thời gian đó, ông tham gia tảo thanh đường 559 của Việt cọng, lập nhiều chiến công và được thưởng “Chiến công bội tinh” trong chiến dịch Nguyễn Thiện Thuật.
Về Sài gòn.
Chúng tôi đang sống ở Hà lan.   Một hôm có một đoàn công voa dừng trước nhà, gồm một chiếc Jeep dẫn đầu, vài chiếc GMC chạy sau, tôi thấy ông xuống xe từ chiếc Jeep, được biết ông được thuyên chuyển về Saigon làm gì đó, đi qua nhà nên ghé thăm…..giã từ Kontum!
Vì ông làm việc tại Biên hòa, và cũng chưa có nhà, nên chúng tôi sống tạm ở 28/54 cư xá Lữ gia. Một tuần 1 lần ông về thăm, thường là thứ Bảy, chiều Chúa nhật lại đi. Mỗi lần về, thế nào cũng có món “đặc sản” nào đó, khi thì mắm bà giáo Thảo, khi thì mè xửng Huế…..Ông được cấp chiếc Traction màu đen, không bao giờ nhờ tài xế lái về.
Thời gian sau, vì phải trả nhà cho chú Hoành nên về ở chung với Dì Đoán tại cư xá Tự do, nhà đông con nít, tôi và đám con dì Đoán đánh lộn thường xuyên.
Sau đó tôi được biết, Ba tôi mua chung đất với dì dượng Đoán và làm nhà ở nhà thờ Chí Hòa. Trong giai đoạn đang làm nhà, ông đem tôi đi học và ở lại nhà của ông Vũ hùng Phi.
Đó là căn nhà 3 tầng tại đường Nguyễn Tri Phương, hình như số 43 thì phải.Tầng trệt cho một ông đốc học thuê mở trường mầm non dạy tiếng Pháp, không biết ông tên gì, nên chúng tôi gọi là ông Đốc. Tầng thứ 2 cho chú Lê vĩnh Hoàn và Đặng xuân Hoa thuê, tôi ở chung với vợ chồng chú Hoàn và chú Hoa. Tầng 3 là gia đình chú Phi ở.
Tôi ở 43 Nguyễn Tri Phương được một năm, học tiến Pháp vỡ lòng. Thỉnh thoảng ông đến thăm và mua đồ chơi cho tôi. Một hôm, tôi choàng dậy vì nghe tiếng súng nổ, và lửa cháy một góc trời, lao ra lan can đã thấy mọi người ở đó rồi. Sáng mai thấy đại tá Vũ hùng Phi mặc đồ civil, đeo khẩu súng lục bên hông về nhà và nói với tôi:
– Đêm qua đảo chánh rồi, không biết Ba mầy có sao không?
Sau đó ít ngày ông về và đem tôi về nhà mới ở Chí Hòa.
Cũng trong năm đó, mẹ tôi sinh thêm một em bé nữa, tên Trịnh Anh Dũng.

Đăng tải tại Blog | Bình luận về bài viết này

THƯ GỬI BẠN

Những điều chưa nói.
Khuê thân

Thấm thoắt đã hơn một tháng chúng mình chia tay nhau.
Tháng vừa qua tao lại thấy dài hơn 37 năm xa cách. Sao vậy nhỉ? Trong tháng mày về VN, tao thấy tụi mình đâu có làm gì, mà thấy tháng ngày đi nhanh quá.

Đúng là “Ngày vui qua mau”.

Khuê à! Khi mày chưa về, tao chỉ lo có mỗi một điều là sợ làm hỏng chuyến về VN của mày. Tại sao? Chắc mày không hiểu đâu. Chịu khó đọc phần bên dưới, hơi dài, nhưng đầu tiên tao phải nói là không “kể khổ” với mày đâu, cũng vì lý do đó, mà mãi bây giờ tao mới nói. Sợ mày hiểu lầm.
Sau 75, những tháng ngày ở Sg, tao chẳng biết làm gì, lang thang mấy sạp sách dọc Công lý, gần trường Cao Thắng, mua sách cũ về đọc cho hết ngày. Sau đó vào trường theo lời kêu gọi của “chính quyền cách mạng”, (tao đang học ở MPC, khoa học). Thấy mấy thằng trong khoa đăng đàn, khua môi múa mép giảng chính trị, ĐM tao ghét quá, đéo thèm đi nữa, sau đó nó bắt tao khai lý lịch, tùm lum tà la các người liên quan, tao bỏ về.

Thế là bỏ học luôn!

Mẹ con dắt díu nhau về Darlac, làm rẫy.
Năm đầu tiên, nó còn thả lỏng làm cũng tàm tạm, đủ ăn. Trong thời gian đó, tao xin đi dạy học (bây giờ thì mất dạy rồi). Sang năm sau, nó siết lại, đất đai nó lấy hết, bắt đi làm tập thể, cái gọi là “tập đoàn”, thực ra chỉ là hình thức bóc lột trắng trợn. Cuối năm gặt hái về, nó lấy hết, chia cho vợ chồng con cái tao được hơn 100kg lúa, ăn được khoảng 2 tháng …là hết. Biết làm gì ăn bây giờ? Tao băn khoăn mất mấy năm, làm thuê cũng không được, đâu ai có tiền mà thuê mình,công việc đâu có gì để thuê người…

Đầy những chán chường và….đói…

Trong thời gian đó, tao lôi hết những người cũ trong thời hoa mộng của tụi mình ra để….nhớ. Thật vậy, thời giờ tao rất nhiều, và sống trong nỗi thất vọng nên không còn ý chí phấn đấu nữa. Sau này tao mới thấy sai lầm. Giá như  lúc đó mình học cái gì đó, Anh văn chẳng hạn… thì thời gian qua đi có ý nghĩa hơn. Có thể nói tao để cơ hội vuột ra khỏi tay hơi nhiều.  Không biết nắm lấy cơ hội trong cuộc đời.

Đúng là một thằng đần.

Trở lại chuyện của những năm trước. Tụi tao phải cố gắng lắm mới tồn tại được. Làm đủ thứ nghề phụ như: nấu rượu, ép dầu đậu phụng, làm hàng xáo (mua lúa, xay ra gạo bán) thường thì lời chút cám để nuôi heo. Mà những thứ đó mình phải làm lậu, nó không cho làm. Có những đêm nó lùng sục, Đm. nó, vợ chồng tao phải vác che ép dầu, nồi nấu rượu…chạy chết mẹ luôn. Nó mà bắt được là sạt nghiệp, nó lấy sạch. Còn bị tội nữa. Những đợt kiểm tra, nó thông báo ở nhà hết, một đoàn đi rùng rùng như chó từ nhà trên xuống nhà dưới, có gì lấy nấy, nồi nấu rượu, che ép dầu, che ép mía (làm đường ăn ), vàng, tư trang, thuốc tây(đồ lậu), cà phê(hàng quốc cấm)….nó lấy tất.

Một lũ chó má và khốn nạn.

Trong thời gian đó, may mà  ông già tao có gửi về chút ít, nên cũng đỡ. Tao vẫn biết cuộc sống bên đó cũng vất vả , nhất là Thủy nó còn chưa ra trường. Mày biết không, có những bữa tao đi làm cỏ lúa, đem cơm toàn sắn(mì) không, một lát sắn khô cộng vài hạt cơm, ăn với nước mắm (toàn muối không), ĐM. tới trưa thấy sao bay đầy trước mắt (đói , hoa mắt).
Bây giờ thì mày biết tại sao tao nhớ hết những chuyện của mày lúc trước, những chuyện có khi mày quên. Tại vì tao luôn hoài niệm đến nó, thì giờ không có gì làm, tao luôn nhớ hết mọi người, và những chuyện của người đó. Đặc biệt là mày.

Đó là lẽ tất nhiên.

Nhưng có chuyện mày chưa nghĩ ra, tao cũng chưa bao giờ nói ra, nhưng tao sợ nhất. Đó là : sống trong xã hội như vậy, con người dễ bị “thoái hóa nhân cách”.
Đúng vậy Khuê à, tao hỏi mày, bụng lúc nào cũng đói, đầu óc thì trống rỗng, luôn luôn nghĩ đến cái ăn, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để thỏa mãn nhu cầu của cái bụng, kể cả đấu tố cha mẹ, lừa lọc anh chị em, ăn trộm nếu có thể. Không gì, và không ai có thể điều khiển mình bằng cái bao tử. Có những bữa có miếng thịt, vợ chồng phải chờ con ngủ hết, mới ăn cơm. Ăn cả thì không đủ, phải có sức mai đi làm. Tao vừa ăn vừa ứa nước mắt. Thế đấy, nói chắc mày không tin.
Những điều đó dẫn đến điều gì? Con người dần trở nên ích kỷ, bần tiện, và thậm chí đốn mạt nữa. Cái nguy hại là”CHÍNH BẢN THÂN NGƯỜI ĐÓ CŨNG KHÔNG NHẬN THẤY SỰ THAY ĐỔI CỦA MÌNH”. Luôn đánh giá con người qua giá trị vật chất. Cả một xã hội đối xử với nhau như vậy, và họ thấy “TẤT NHIÊN LÀ NHƯ VẬY”.

Cái khốn nạn là chỗ đó.

Tao băn khoăn nhất là điểm này Khuê à, có thể chính tao đã thay đổi, mà tao không biết, nên có thể làm hỏng chuyến về VN của mày, trong khi sự háo hức của mày chưa hết, đã nhận ra những thay đổi của những thằng bạn hồi xưa.

Mà có lẽ mày cũng thấy một đôi điều rồi, phải không?

C`est la vie. Cuộc sống nó như vậy.
Thôi nhé Khuê! Tao cám ơn trong cuộc đời đã run rủi cho chúng mình gặp nhau. Vậy thôi, đó cũng là niềm hạnh phúc, mà ta phải cám ơn Thượng đé.

Chúc mày và gia đình những điều may mắn.
I wish you and your family a good luck.

Bye.

Đăng tải tại Blog | Bình luận về bài viết này

30 năm Gia Đình Phụng Vụ Vinh Đức

    Chúng ta thường nghe nói đến”Mỗi gia đình chỉ có một, đến hai con”, hoặc”Ít con để chăm sóc tốt hơn”……Nhưng có một gia đình càng ngày dân số càng đông, đó là”Gia đình Phụng vụ Vinh đức”.

Được thành lập năm 1981, do cha quản xứ  giáo xứ(Gx.)Vinh đức lúc bấy giờ là cha Giuse Đặng sỹ Bình.Tình hình lúc ấy rất nhạy cảm, mà công việc của một gx. lớn như gx. Vinh đức thật bề bộn, bởi vậy Ngài quyết định thành lập BAN PHỤNG VỤ GIÁO XỨ, chuyên phục vụ các công việc trong Thánh đường , bất cứ việc gì, và bất cứ lúc nào, nghĩa là “trực chiến 100%”.

Trong BAN PHỤNG VỤ (BPV), có những chuyên môn khác nhau như: thợ mộc, thợ điện, trang trí ….., nhưng công việc các anh em BPV thường xuyên làm là phục vụ trong nhà mặc áo như: soạn áo cho Cha làm lễ, soạn các dụng cụ làm lễ.Sau lễ cất đặt cẩn thận, trải khăn Bàn thờ, và…..đóng cửa nhà thờ.

Do những đặc thù công việc có tính chuyên môn cao, tính tình phải điềm đạm khi tiếp cận Bàn Thánh. Nên việc tuyển chọn các nhân sự rất khắt khe, thường thường những người được tuyển là thành phần ưu tú trong các Giáo họ, có đạo đức, và nhân thân tốt.

Sau một thời gian được “huấn luyện” theo chế độ “huynh trưởng”, nghĩa là anh cũ kèm anh mới, người mới vào sẽ được chính thức lên đọc sách và đọc đáp ca trong Thánh lễ hằng ngày. Nhiệm kỳ mỗi thành viên BPV thường là 3 năm, nhưng do những đặc thù công việc như vậy nên thường mỗi thành viên làm 2 nhiệm kỳ. Do đó các “Cựu Phụng vụ” ngày càng đông.

Hằng ngày đọc sách và soạn sách đọc, nên anh em nhận ra một điều: hết  Lễ Chúa Kitô vua là chuyển sang năm Phụng vụ mới, nên ngày đó được gọi là”TẾT PHỤNG VỤ”. Mới đầu anh em đương nhiệm tổ chức nội bộ với nhau, gọi là chấn chỉnh công việc cho năm phụng vụ mới, tổ chức hoặc chỉnh sửa lịch trực trong tuần. Sau này do sáng kiến của anh trưởng BPV đương nhiệm là JB. Phạm Hồng Thái và được sự đồng ý của Cha quản xứ Giuse Nguyễn Ngọc Quế, BPV đã chính thức lấy ngày lễ Chúa Kitô vua làm bổn mạng.
Hằng năm, lễ bổn mạng được tổ chức, đều mời tất cả anh em “cựu Phụng vụ” về tham dự. “GIA ĐÌNH PHỤNG VỤ” ra đời từ đó.

Tưởng cũng cần nói thêm. Gia đình phụng vụ là cái nôi nhân sự trong Giáo xứ.
Thật vậy, hầu như  những người làm việc trong Ban Thường Vụ HĐGX, trưởng các đoàn thể Phụ huynh, Trung niên…. trong các nhiệm kỳ, đều đã từng là thành viên của BPV.
Không những vậy, Gia đình Phụng vụ còn có tổ chức “hiếu hỉ”. Khi có người thân trong Gia đình Phụng vụ qua đời, anh em lại “hú” nhau đi thăm viếng, cầu nguyện, an ủi gia đình. Hoặc những cuộc vui trong gia đình đều có nhớ đến nhau, như là một thành viên trong gia đình thực thụ.

Do mỗi người chỉ làm một hoặc hai nhiệm kỳ, rồi phải nghỉ. Nên thành viên trong Gia đình Phụng vụ ngày càng đông ra.Tính đến thời điểm này “dân số” đã là 76 người, và chắc chắn con số không dừng lại ở đó. “Một Gia đình có dân số càng ngày càng đông”.

Ngày lễ Chúa Ki tô Vua vừa qua (20/11/2011), Gia đình Phụng vụ Gx. Vinh đức đã mừng Lễ Bổn Mạng của mình và kỷ niệm 30 năm ngày thành lập thật sốt sắng trong tình huynh đệ của một Gia đình thực sự.

                                                                  Trịnh Thu Tâm & Phạm Anh Sơn

Đăng tải tại Tin Nông Thôn | Bình luận về bài viết này

Sống, chết….và Nghĩa trang.

                         “Nghĩa trang không chỉ dành cho người chết”

Có lẽ không ai đi qua tuổi thơ, mà không một lần bị “nhát ma”.

– Có vào không? Con ma kìa.

Thế là ù té chạy. Nỗi sợ hãi càng ngày càng dày lên. Mặc dầu chẳng biết con ma hình hài như thế nào.

Ám ảnh về “con ma” đeo đẳng tôi mãi cho tới lúc trưởng thành. Có những lần đi chăn bò ven bờ nghĩa trang, giữa ban ngày, mà vẫn thấy rờn rợn… Khổ nỗi những chỗ ấy lại là chỗ nhiều cỏ nhất. Những ngôi mộ im lìm, trắng xóa, luôn là nỗi sợ hãi đối với đám trẻ nhỏ chúng tôi. Vì nơi “chất chứa” những con ma chính là “cái…. nghĩa địa”.

Làm thế nào để tạo ra được sự gần gũi giữa người sống và người chết? Làm thế nào để nghĩa trang “không chỉ để chôn người chết”? Đó cũng là nỗi trăn trở của bao đời Lm. quản xứ, cũng như hội đồng giáo xứ (HĐGX) Vinh đức.

Ngược giòng thời gian…….

Năm 1956, ngay sau khi ổn định cuộc sống cho đồng bào di cư, điều mà Lm. Antôn Nguyễn Văn Hóa nghĩ đến đầu tiên là “Nghĩa trang”. Tuy lúc ấy đã thiết kế khá xa cụm dân cư, nhưng làng xã ngày một đông hơn, nên dần dà người ở đến sát nghĩa trang.  Sau biến cố 1975, Lm. Antôn Trương trọng Tài đã dời nghĩa trang về vị trí mới, rộng rãi hơn, bằng phẳng hơn và đẹp hơn.

Tuy vậy, do đời sống lúc ấy đang quá khó khăn. Nên phần chôn cất cũng chưa có một quy hoạch chung, còn tùy điều kiện kinh tế của từng gia đình. Sau đó Lm. Đặng sỹ Bình ra quy định chung thống nhất mẫu mã, kích thước của phần mộ, sao cho mọi thành phần trong dân có thể thực hiện được.

Đã có bao nhiêu lần bàn định để tôn tạo, thì bấy nhiêu lần trăn trở, rồi thở dài….”Lực bất tòng tâm”.

Với sự kiên quyết của hội đồng đương nhiệm và sự ủng hộ mạnh mẽ của cha quản xứ-Lm.Giuse Nguyễn Ngọc Quế. Công trình tôn tạo Nghĩa trang đã thực sự khởi công khoảng hai năm  trước, với tôn chỉ “Nghĩa trang không chỉ dành cho người chết”.

Đầu tiên là trồng lại vườn cây phía trước, để tạo sự thoáng mát, khoảng cách có thể dùng để sinh hoạt, cắm trại v.. v… Xây thêm Nhà Vĩnh biệt, nhà cũ dùng để cất đặt các dụng cụ phục vụ Nghĩa trang, còn dùng làm nhà mặc áo khi cần.Công trình này được sự tài trợ của Ôb. Nguyễn Võ (Gh. Vạn Lộc) và các con.Vẻ uy nghi và chững chạc của cổng vào không thể không ghé mắt nhìn vào, nếu ai đó có lần đi qua, tất cả đều mang đậm đường nét Đông phương, để tạo sự gần gũi với văn hóa người mình. Công trình này được sự tài trợ của anh Nguyễn Việt (Gh. Mỹ Dụ).

Ngoài hai công trình lớn trên, những công trình phụ như: cơi nới thêm đường đi, nới rộng khu vực quảng trường, đăt thêm ghế đá, trồng mới cây cảnh ở hoa viên, khoan giếng để phục vụ nước trong nghĩa trang, đặt tượng….đều được thực hiện trong dịp này.
Có một điều thú vị là: khi cha quản xứ kêu gọi các gia đình góp thêm ghế đá, vói số hạn nhất định, có gia đình chậm tay hơn, đã phải “ấm ức” ra về, vì không kịp góp vào công trình Nghĩa trang.
Cha quản xứ  cũng nhắc lại quy định chung về nghĩa trang như: phải chôn theo thứ tự đã được đào từ trước. Phải xây theo kích thước và mẫu mã quy định vì “Trước mặt Chúa, mọi người đều bằng nhau”.

Ngày lễ Các Thánh vừa qua (01/11), Giáo xứ  đã hân hoan đón Đức cha chính giáo phận ( Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản) về ban phép lành và khánh thành Nghĩa trang.
Lễ Các Linh hồn đã diễn ra ngay tại Nghĩa trang, trong không khí đầm ấm, gần gũi hơn, và trong tinh thần hân hoan của vùng Đất Thánh mới khánh thành.

Giáo xứ Vinh Đức đã thực sự hoàn thành ước mơ của mình:” Nghĩa Trang không chỉ dành cho người Chết”.

     Trịnh Thu Tâm và Phạm Anh Sơn.

Đăng tải tại Blog | Bình luận về bài viết này